Những điều cần biết khi mang thai theo từng giai đoạn thai kỳ

Ngày đăng: 22/12/2021
Mục lục [ Ẩn ]

Mang thai là một trải nghiệm đầy thú vị, tuy nhiên, đối với những mẹ bầu lần đầu mang thai không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ. Bài viết sau đây sẽ chỉ rõ những vấn đề mẹ bầu cần lưu ý trong từng giai đoạn của thai kỳ, mời các mẹ cùng theo dõi:

 Những điều cần biết khi mang thai 3 tháng đầu 

3 tháng đầu được coi như giai đoạn quan trọng nhất của hành trình mang thai bởi giai đoạn này hệ thần kinh của thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển, mọi hoạt động của người mẹ đều có thể tác động đến thai nhi. Đây cũng là giai đoạn mẹ gặp nhiều khó khăn nhất do cảm giác mang thai gây ra một số biến đổi trong cơ thể mà người mẹ chưa thể thích nghi. Khoảng thời gian này cũng thường có nguy cơ sảy thai, thai lưu cao nhất nên mẹ bầu cần đặc biệt chú ý.

Ba tháng đầu khi mang thai
Ba tháng đầu khi mang thai

Đối với 3 tháng đầu, vóc dáng của mẹ bầu hầu như không có sự thay đổi, thậm chí một số người quen còn khó có thể nhận ra rằng bạn đang mang thai, chỉ đến tuần thứ 12 của thai kỳ, một số người có thể thấy bụng mình nhô ra một chút, tuy nhiên biểu hiện này cũng không thực sự rõ ràng. 

Một số vấn đề mẹ bầu có thể gặp phải trong giai đoạn này có thể kể tới như:

- Ngực bắt đầu thay đổi, cảm giác đau, ngứa râm ran ở núm vú, quầng vú thâm sạm.

- Thường xuyên mắc đi tiểu.

- Thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt.

- Mẹ bầu có thể gặp phải những cơn đau bụng ngắt quãng và không thường xuyên. Nguyên nhân là do tử cung to ra gây sức ép lên dây chằng xung quanh gây đau nên mẹ không cần quá lo lắng khi gặp những con đau này.

- Ốm nghén gặp ở 85% phụ nữ, các biểu hiện ốm nghén như: chán ăn, buồn nôn và nôn khi ngửi mùi đồ ăn hoặc sau khi ăn, một số mẹ bầu thể thích ăn hơn những món ăn có vị chua, ngọt hoặc mặn.

- Tâm trạng dễ xúc động, buồn rầu, lo lắng và dễ kích động.

Tâm trạng mang thai dễ xúc động
Tâm trạng mang thai dễ xúc động

Để đảm bảo an toàn trong giai đoạn quan trọng này, mẹ bầu cần chú ý một số vấn đề sau đây:

- Đi lại nhẹ nhàng, hạn chế làm việc và vận động quá sức.

- Khám thai ngay khi phát hiện trễ kinh hoặc khi que thử thai xuất hiện 2 vạch và khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

- Mặc dù bị các triệu chứng ốm nghén hoành hành nhưng mẹ vẫn cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể, đặc biệt là những thực phẩm chứa những dưỡng chất tốt cho cả mẹ và bé như đạm, sắt, canxi, chất xơ, vitamin C, vitamin D. Thường xuyên thay đổi thực đơn linh hoạt, đa dạng để tránh cảm giác nhàm chán.

- Hạn chế sử dụng những thực phẩm có tính cay, nóng, chứa nhiều dầu mỡ, nhiều muối và tránh xa các chất kích thích.

- Bắt đầu bổ sung các loại viên uống cho bà bầu để bổ sung những chất cần thiết cho sức khỏe mẹ và sự phát triển của em bé.

- Mua sắm quần áo mới, đặc biệt là đồ lót. Lựa chọn những bộ đồ rộng rãi, mát mẻ để thoải mái khi vận động.

- Khi mang thai, dịch âm đạo tiết ra nhiều dễ khiến cô bé bị viêm nhiễm trong giai đoạn này gây nhiễm khuẩn ngược dòng ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, giữ vệ sinh sạch sẽ cô bé hàng ngày là việc làm cần thiết.

- Thường xuyên trò chuyện cùng người thân và bạn bè để giữ tâm trạng thoải mái, lạc quan, hạn chế stress.

 Mang thai 3 tháng giữa cần lưu ý gì?

3 tháng giữa bắt đầu khi thai nhi được 13 tuần tuổi và kéo dài đến hết tuần thứ 26 của thai kỳ. Đây được coi là giai đoạn trăng mật bởi lẽ thời gian này các triệu chứng ốm nghén hầu như đã giảm hoặc biến mất, mẹ bầu cảm nhận được rõ ràng hơn những chuyển động của thai nhi trong bụng và mẹ bầu chắc hẳn nhận được rất nhiều lời chúc mừng bởi hình dáng mang thai đã rõ nét trong giai đoạn này.

Đối với 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu có thể thấy cơ thể mình gặp phải một số tình trạng như đau lưng, đau háng, ngứa ở bụng, bàn tay và bàn chân, nổi vân da, chóng mặt và táo bón. Ở giai đoạn này, mẹ bầu cũng thấy cơ thể mình tăng cân nhanh hơn, trung bình mỗi tháng trong giai đoạn này mẹ có thể tăng được từ 1,5 – 2 kg.

Ngứa ở bụng khi mang thai
Ngứa ở bụng khi mang thai

Từ tuần thứ 20 trở đi, mẹ bầu cũng có thể gặp phải những biến chứng của thai kỳ như tiền sản giật, thai chết lưu, bong rau non, rau tiền đạo, vỡ ối hay sinh non. Do đó, ngay khi xuất hiện các biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, nhìn nờ, phù nhiều, tiểu buốt, đau bụng gò cứng từng cơn kèm ra máu âm đạo mẹ bầu cầu liên hệ ngay với bác sĩ để kịp thời can thiệp, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Đối với thai nhi, giai đoạn này thai nhi bắt đầu hoàn thiện về các bộ phận bên trong và bên ngoài cơ thể. Hình dáng của thai nhi cũng được quan sát rõ ràng hơn, mẹ có thể quan sát được các ngón tay, ngón chân, thậm chí là cả lông mi, lông mày của bé. Đặc biệt là khoảng thời gian này mẹ cũng biết rõ ràng rằng thai nhi trong bụng là bé trai hay bé gái do bộ phận sinh dục đã được nhìn rõ. 

Đây ắt hẳn là một giai đoạn đặc biệt vì mẹ sẽ cảm nhận được những chuyển động của thai nhi trong bụng mình. Cảm nhận này có thể bắt đầu xuất hiện khi thai được 19 tuần và rõ rệt hơn từ 25 tuần trở đi.

Ngoài việc tuân thủ lịch khám thai định kỳ và uống thuốc bổ thai hằng ngày và tuân thủ các nguyên tắc ăn uống giống như giai đoạn trước thì giai đoạn này mẹ cũng cần ăn nhiều hơn để đạt mức năng lương tăng khoảng 350kcal so với nhu cầu trước mang thai. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần chú tâm vào việc bổ sung DHA hơn kể từ giai đoạn này.

Bổ xung DHA khi mang thai
Bổ sung DHA khi mang thai

Trong quá trình khám thai ở khoảng thời gian này, mẹ sẽ được xét nghiệm nước tiểu để phát hiện nhiễm trùng tiểu, tiền sản giật và test đường huyết để phát hiện tiểu đường thai kỳ. Mẹ cũng có thể nhìn thấy được hình dáng, khuôn mặt bé con của mình ở lần siêu âm 4D ở tuần thai thứ 18-24.

Ở giai đoạn này, mẹ có thể yên tâm hơn khi làm “chuyện ấy”, tuy nhiên, thận trọng và lựa những tư thế an toàn vẫn là điều cần thiết. Những môn thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi sẽ giúp mẹ bầu có tinh thân thoải mái, tăng cường sự dẻo dai của cơ thể và chuẩn bị một sức khỏe sẵn sàng cho giai đoạn nặng nề sắp tới.

 Giai đoạn mang thai 3 tháng cuối

Bước đến giai đoạn này, chắc chắn mẹ bầu nào cũng có chút lo lắng, hồi hộp vì đếm ngược chờ đợi ngày có thể gặp bé yêu của mình. Đây hẳn sẽ là một dấu mốc quan trọng mà mẹ bầu luôn ghi nhớ.

Trong giai đoạn này, cơ thể người mẹ thường gặp một số thay đổi như:

- Gương mặt, chân tay trở nên múp míp. Cẳng chân, bàn chân có thể phù trong tháng cuối thai kỳ.

- Bụng bầu ngày càng lớn và tụt xuống thấp.

- Một số mẹ bầu bắt đầu xuất hiện trứng cá, nám ở má, trán và 2 bên thái dương.

- Rạn da vùng bụng và ngứa

- Đi lại nặng nề do bụng bầu to chèn ép lên dây chằng và dây thần kinh xung quanh vùng chậu.

- Sữa non bắt đầu xuất hiện.

- Giấc ngủ khó khăn hơn do đau lưng, chuột rút và mắc tiểu thường xuyên.

- Mẹ cũng có thể thấy những con gò nhẹ ở những tuần cuối của thai kỳ. Cần phân biệt những cơn gò này với cơn chuyển dạ thực sự.

Mất ngủ do đau lưng khi mang thai
Mất ngủ do đau lưng khi mang thai

Đây là giai đoạn thai nhi phát triển mạnh nhất về trọng lượng do đó người mẹ nên tăng cường nạp năng lượng vào cơ thể, nhu cầu người mẹ cần đạt mỗi ngày dao động khoảng 2500-2600 kcal/ngày.

Mẹ cũng cần đặc biệt tuân thủ lịch khám thai trong giai đoạn này. Từ tuần thai thứ 36 trở đi, mẹ cần đi khám thai 1 lần/tuần để theo dõi sự phát triển của em bé, phát hiện sớm những nguy cơ khi sinh cũng như dự đoán quá trình vượt cạn của mình. Nếu có thể, hãy nói với bác sĩ nhu cầu của bản thân về sinh mổ hay sinh thường để bác sĩ có kế hoạch cụ thể cho quá trình sinh nở diễn ra trọn vẹn.

Hãy chuẩn bị thật tốt cho quá trình chào đón bé yêu của mình bằng cách sắm đồ cho bé, chuẩn bị đồ đạc và vật dụng đi sinh. Lúc này, mẹ cũng nên quyết định sớm việc sẽ nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức.

Quan hệ tình dục trong giai đoạn này hầu như không có ảnh hưởng gì đối với thai nhi. Tuy nhiên cần thận trọng trong những trường hợp như ra nước, ra máu âm đạo, bụng đau và có cơn co.

Khi thấy có các biểu hiện như âm đạo có nhầy nâu lẫn máu, nước chảy nhiều, đau bụng co bóp từng cơn liên tục rất có thể mẹ đang trải qua quá trình chuyển dạ. Điều cần làm lúc này liên hệ ngay với gia đình mang theo đồ đạc tới cơ sở y tế để chuẩn bị cho cuộc sinh.

Mang thai dù là giai đoạn nào cũng mang một ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người mẹ. Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp mẹ hiểu những điều cần biết khi mang thai theo từng giai đoạn. Chúc mẹ có một thai kỳ trọn vẹn!

Xem thêm: Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu

Xếp hạng: 5 (1 bình chọn)

Thông tin hữu ích

ĐẶT HÀNG NHANH NHẤT

Lựa chọn sản phẩm cần mua

Giao hàng MIỄN PHÍ thanh toán tại nhà

 

(Dược sĩ nhà thuốc sẽ gọi điện tư vấn về chương trình khuyến mại tương ứng với sản phẩm bạn đặt)

Bình luận


Điểm bán

Giỏ hàng