Tìm hiểu về tiền sản giật khi mang thai và cách phòng tránh

Ngày đăng: 18/02/2022
Mục lục [ Ẩn ]

Các biến chứng sản khoa luôn là nỗi lo lớn nhất của phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ. Thống kê cho thấy có hơn 500.000 phụ nữ tử vong hàng năm do các nguyên nhân liên quan đến thai nghén và sinh đẻ. Một trong số đó là bệnh lý tiền sản giật, chiếm khoảng 5% ở phụ nữ có thai. Vậy tiền sản giật nguy hiểm như thế nào? Có thể phòng tránh được không?

Tiền sản giật là gì? 

Tiền sản giật được định nghĩa là chứng tăng huyết áp, phù và kết hợp với chứng đạm niệu sau 20 tuần thai, được chẩn đoán lâm sàng bằng đo huyết áp, xem mức độ phù chân và xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu. Tiền sản giật nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời có thể dẫn đến sản giật, là cơn co giật toàn thân, dễ gây các biến chứng nguy hiểm như tổn thương không hồi phục một số cơ quan (gan, thận…), thậm chí là tử vong. 

Cần phân biệt hiện tượng phù ở tiền sản giật với hiện tượng phù sinh lý ở phụ nữ có thai. Với hiện tượng phù chân sinh lý, mà mọi người thường nói thông qua cái tên “xuống máu gây phù”, là do ở 3 tháng cuối thời kỳ thai nghén, trọng lượng thai nhi ngày càng to, tạo sức ép lên tĩnh mạch dưới khiến máu lưu thông gây phù nề, đặc biệt là phù chân, gây khó khăn trong việc đi đứng, sinh hoạt hằng ngày. Hiện tượng này thường chỉ gây phù nhẹ, phù về chiều, sẽ cải thiện nếu mẹ bầu nằm gác chân trong một khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, với tiền sản giật gây phù chân, sẽ có biểu hiện vết phù trắng, ấn lõm, đàn hồi kém, không cải thiện khi nằm gác chân lên cao, thường được kiểm tra rõ nhất ở mu chân, mu tay, mặt trước xương chậu.

Nguyên nhân gây ra bệnh lý tiền sản giật hiện tại vẫn đang được nghiên cứu làm sáng tỏ. Sinh lý bệnh của tiền sản giật có thể do các động mạch xoắn ốc nhau thai trong tử cung kém phát triển, làm giảm lưu lượng máu nuôi nhau thai dẫn đến thai kém phát triển.

Dấu hiệu tiền sản giật khi mang thai
Dấu hiệu tiền sản giật khi mang thai

Tuy nhiên có thể kể đến một số yếu tố nguy cơ bao gồm:

- Cao huyết áp mạn tính trước mang bầu

- Mắc các bệnh tự miễn

- Đái tháo đường mạn tính hoặc đái tháo đường thai kỳ

- Người mẹ dưới 17 tuổi hoặc trên 35 tuổi, hoặc những bà mẹ có lối sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá, uống bia rượu nhiều…

- Tiền sử gia đình có người thân bị cao huyết áp hoặc tiền sản giật 

- Tiền sản giật ở lần mang thai trước đó

- Người mẹ mang đa thai: thai đôi, thai ba…

- Thừa cân, béo phì

- Rối loạn huyết khối

Phân loại mức độ tiền sản giật 

Tiền sản giật nhẹ: 

Thường có các dấu hiệu

- Huyết áp tăng trên 140/90mmHg

Bà bầu tiền sản giật nhẹ khi huyết áp tăng trên 140/90mmHg
Bà bầu tiền sản giật nhẹ khi huyết áp tăng trên 140/90mmHg 

- Protein niệu dương tính: trên 0,3mg/24h hoặc trên 1,0g/L

- Dấu hiệu lâm sàng: mệt mỏi, da tái xanh, thị lực giảm

Tiền sản giật thể nhẹ có thể được điều trị ngoại trú, theo dõi huyết áp hằng ngày (3 lần/ngày tại các thời điểm cố định) và sinh hoạt theo chế độ của bác sĩ.

 Tiền sản giật nặng

Thường có các dấu hiệu

- Huyết áp tăng trên 160/110mmHg

- Protein niệu dương tính

- Men gan tăng cao, thường hàm lượng ALT và AST cao hơn 2 lần bình thường

- Chức năng thận giảm, thường creatinin huyết thanh >1,1mg/dL

- Đau đầu, đau vùng thượng vị

- Thiểu niệu

- Cân nặng thai nhi nhẹ hơn so với chuẩn, thai kém phát triển.

Tiền sản giật nặng phải được điều trị nội trú, theo dõi huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, theo dõi tim thai thông qua đo monitor hằng ngày để giám sát chặt chẽ tình trạng bệnh lý.

Tiền sản giật có sinh thường được không? 

Phụ nữ mang bầu có thể sinh thường mặc dù thường được khuyến khích sinh mổ hơn do huyết áp cao gây nhiều mệt mỏi trong quá trình chuyển dạ, hoặc có nguy cơ sinh non tháng nên thường được chỉ định mổ cấp cứu.

Tiền sản giật có sinh thường được không?
Tiền sản giật có sinh thường được không?

Khi thai nhi đã được trên 36 tuần, tử cung của mẹ đã mềm, đủ tiêu chuẩn sức khoẻ để sinh thường, bác sĩ sẽ trao đổi và tư vấn kỹ với mẹ và người thân để lựa chọn phương pháp sinh. Trong quá trình sinh thường, thai phụ sẽ được theo dõi sát sao huyết áp để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

Hậu quả của tiền sản giật khi mang thai 

Biến chứng của tiền sản giật khi mang thai có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người mẹ và em bé.

Đối với em bé, thai nhi sẽ kém phát triển do lưu lượng máu nuôi thai nhi kém, dinh dưỡng không được cung cấp đầy đủ. Cân nặng thai nhi sẽ nhẹ cân hơn so với tuổi thai. Trẻ thường bị sinh non tháng, nhẹ cân, có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch cao hơn so với trẻ có mẹ không bị tiền sản giật. Biến chứng nguy hiểm nhất giai đoạn này là thai chết lưu trong bụng mẹ. 

Đối với người mẹ, tiền sản giật có thể tiến triển nặng gây ra sản giật, là hiện tượng co giật toàn thân và kết thúc bằng hôn mê, thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, trong quá trình bệnh lý, thai phụ có thể bị phù phổi cấp, phù tim cấp, suy thận cấp gây đe doạ tinh mạng người mẹ. Tiền sản giật cũng biến chứng gây nên hội chứng HELLP, là hiện tượng tán huyết, men gan tăng và số lượng tiểu cầu thấp, biểu hiện triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau thượng vị hoặc hạ sườn phải, đau đầu dữ dội. Hội chứng này có thể diễn biến nhanh gây nguy hiểm tính mạng.

Tuy nhiên, có một tin vui là nếu được điều trị và theo dõi sát sao, hiện tượng tăng huyết áp của tiền sản giật có thể chấm dứt ngay khi sinh con. Mặc dù vậy, nếu hiện tượng tăng huyết áp vẫn kéo dài đến 6 tuần sau sinh, bên cạnh việc theo dõi huyết áp để tránh tiền sản giật sau sinh, người mẹ cũng cần khám chuyên khoa tim mạch để quản lý tình trạng sức khoẻ cụ thể vì có thể gây ra cao huyết áp mạn tính.

Bà bầu bị tiền sản giật phải làm sao? 

Nguyên tắc của điều trị tiền sản giật chính là kiểm soát huyết áp, theo dõi chặt chẽ tình trạng thai nhi và chấm dứt thai kỳ ở thời điểm phù hợp. Điều trị dứt khoát của tiền sản giật chính là sinh con. 

Thời điểm mà các bác sĩ khuyên mẹ nên chấm dứt thai kỳ, sinh con bằng phương pháp sinh mổ có thể là thời điểm thai nhi đạt 36 tuần, hoặc thai nhi dưới 36 tuần nhưng có hiện tượng suy thai. 

Mẹ bầu bị tiền sản giật cũng cần duy trì một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý để không làm gia tăng tình trạng bệnh:

- Ăn nhạt

- Bổ sung đạm trong chế độ ăn, bổ sung canxi cũng làm giảm các nguy cơ làm nặng tình trạng bệnh.

- Nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh làm việc bê vác nặng nhọc

- Hạn chế đi lại gây tăng nhịp tim, huyết áp

- Uống đủ nước (2 lit mỗi ngày), mẹ bầu có thể uống thêm nước đỗ đen rang có thể tốt cho việc kiểm soát huyết áp

- Uống thuốc huyết áp đúng giờ

- Theo dõi huyết áp ở 3 thời điệm cố định trong ngày, ghi chép lại và báo với bác sĩ điều trị

- Theo dõi thai máy hằng ngày, nếu bất thường phải báo lại ngay với bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

- Tái khám theo đúng lịch hẹn nếu đang điều trị ngoại trú

Tái khám theo đúng lịch hẹn khi bà bầu bị tiền sản giật
Tái khám theo đúng lịch hẹn

 Phòng tránh nguy cơ tiền giản giật 

Do chưa khẳng định được nguyên nhân gây tiền sản giật, nên cũng chưa có biện pháp phòng ngừa triệt để chứng tiền sản giật khi mang thai. Do vậy, chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, hợp lý để đảm bảo sức khoẻ của mẹ trước và trong thời kỳ mang thai đóng vai trò cực kỳ quan trọng:

- Bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi trong suốt thai kỳ

- Hạn chế muối trong chế độ ăn, tránh ăn các đồ ăn nhanh, dầu mỡ, tránh uống các loại thức uống kích thích như rượu bia hay nước ngọt có ga

- Tập thể dục thường xuyên trước khi mang bầu để có sức khoẻ tốt nhất. Tuy nhiên, nếu đang là bệnh nhân tiền sản giật cần hạn chế vận động

- Khám thai định kỳ ở các cơ sở uy tín để được thực hiện đầy đủ các bước khám thai: đo cân nặng, huyết áp, xét nghiệm toàn diện ở các lần khám thai phù hợp…

Trên đây là những thông tin cơ bản về tiền sản giật khi mang thai, hi vọng giúp mẹ bầu có cái nhìn tổng quan nhất về bệnh lý này. Chúc mẹ có một thai kỳ khoẻ mạnh!

Xem thêm: Ốm nghén

Xếp hạng: 5 (1 bình chọn)

Thông tin hữu ích

ĐẶT HÀNG NHANH NHẤT

Lựa chọn sản phẩm cần mua

Giao hàng MIỄN PHÍ thanh toán tại nhà

 

(Dược sĩ nhà thuốc sẽ gọi điện tư vấn về chương trình khuyến mại tương ứng với sản phẩm bạn đặt)

Bình luận


Điểm bán

Giỏ hàng