Bạn đã biết gì về tiểu đường thai kỳ?

Ngày đăng: 01/12/2021
Mục lục [ Ẩn ]

Tiểu đường thai kỳ là một khái niệm khá quen thuộc với các mẹ bầu. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rõ được những thông tin liên quan đến căn bệnh này. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ bầu hiểu hơn về nguyên nhân, triệu chứng cũng như một số thông tin khác liên quan đến căn bệnh tiểu đường thai kỳ. Chúng ta cùng theo dõi nhé!

1. Tiểu đường thai kỳ là gì? Triệu chứng ra sao?

Theo WHO định nghĩa: Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. 

Tiểu đường thai kỳ thường xảy ra ở tuần thai thứ 24-28. Đa số các trường hợp bệnh được phát hiện thông qua xét nghiệm sàng lọc khi khám thai định kỳ.

Tiểu đường thai kỳ thường xảy ra ở tuần thai thứ 24-28
Tiểu đường thai kỳ thường xảy ra ở tuần thai thứ 24-28

Một số biểu hiện có thể gặp ở mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể định hướng chẩn đoán như:

- Tiểu nhiều: Nguyên nhân do lượng đường trong máu cao, thận tăng hoạt động để đào thải đường ra ngoài.

- Khát nhiều: Tiểu nhiều dẫn đến cơ thể lâm vào trạng thái thiếu nước, người bệnh liên tục có cảm giác khát nước và muốn uống nhiều nước để bổ sung nước cho cơ thể.

- Thường xuyên có cảm giác đói và thèm ăn, ngay cả khi vừa ăn no.

- Sụt cân nhanh, cơ thể thường xuyên mệt mỏi: do đường không vào được tế bào, tế bào lâm vào trạng thái đói, thiếu năng lượng để hoạt động, điều này khiến cơ thể sút cân nhanh chóng.

- Dễ nhiễm nấm ở vùng kín và khó vệ sinh sạch bằng các dung dịch vệ sinh thông thường.

- Vết thương lâu lành, mắt nhìn mờ trong một thời gian ngắn

Thông thường những triệu chứng của tiểu đường thai kỳ thường không rõ ràng và không phải mẹ bầu nào cũng gặp đầy đủ những biểu hiện như trên. Tuy nhiên, ngay khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào trong số những dấu hiệu kể trên, mẹ bầu nên ngay lập tức tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán và xử trí kịp thời tránh những ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của bé yêu của mình.

2. Nguyên nhân dẫn đến tiểu đường thai kỳ?

Cho đến nay, nguyên nhân chính gây nên tiểu đường thai kỳ còn chưa được biết rõ. Nhiều giả thuyết cho rằng tình trạng này có liên quan đến các hormone do nhau thai tiết ra trong thai kì Progesterone, Estrogen, Prolactin gây nên hiện tượng đề kháng Insulin. Tế bào giảm độ nhạy cảm với Insulin làm cho đường không vào được tế bào mà tồn đọng lại trong máu gây tăng nồng độ đường trong máu.

Một số yếu tố nguy cơ liên quan đến tiểu đường thai kỳ

- Thể trạng thừa cân, béo phì

- Gia đình có người bị tiểu đường

- Tiền sử sinh con to ở lần mang thai trước

- Tiền sử bất thường dung nạp glucose bao gồm mắc tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai trước hoặc glucose niệu dương tính.

- Tuổi ≥ 35

Một số nguyên nhân dẫn đến tiểu đường thai kỳ
Một số nguyên nhân dẫn đến tiểu đường thai kỳ

- Tiền sử bất thường sản khoa như thai lưu, sảy thai liên tiếp, thai dị tật, sinh non…

- Hội chứng buồng trứng đa nang

- Chủng tộc: người Châu Á dễ mắc tiểu đường thai kỳ hơn những chủng tộc khác.

Những người bị tiểu đường thai kỳ cũng dễ có nguy cơ tiến triển thành tiểu đường tuýp 2 cao hơn những người bình thường, do đó những mẹ bầu được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ cần theo dõi chặt chẽ và kiểm soát tốt đường huyết của mình.

3. Phương pháp chẩn đoán tiểu đường thai kỳ?

Tiểu đường thai kỳ được chẩn đoán xác định thông qua xét nghiệm máu khi kết quả đường máu nằm trong 2 trường hợp dưới đây:

- Đường máu lúc đói ≥ 7mmol/L

- Đường máu bất kỳ ≥ 11,1 mmol/L

Thông thường việc đánh giá tiểu đường thai kỳ ở phụ nữ có thai được thực hiện thông qua nghiệm pháp dung nạp glucose vào tuần thai thứ 24 -28 của thai kỳ. 

Cách thực hiện: Đo đường huyết lúc đói vào buổi sáng sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ. Sau đó, thai phụ được uống 75 g glucose và kiểm tra đường huyết lần lượt sau 1 giờ và 2 giờ sau uống.

Kết quả: Xác định đái tháo đường thai kỳ khi kết quả đường huyết rơi vào 1 trong các trường hợp sau:

- Đường huyết lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/l)

- Đường huyết sau uống nước đường 1 giờ ≥180 mg/dL (10 mmol/l)

- Đường huyết sau uống nước đường 2 giờ ≥153 mg/dL (8,5 mmol/l)

4. Điều trị tiểu đường thai kỳ như thế nào?

Điều trị tiểu đường thai kỳ chủ yếu dựa vào vấn đề thay đổi lối sống và sinh hoạt bao gồm:

- Dinh dưỡng hợp lý: Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần có chế độ ăn cân đối, giàu dưỡng chất, tăng cường đạm, chất xơ đặc biệt là rau xanh và các loại hoa quả ít đường. Mẹ bầu cũng nên hạn chế những thực phẩm chứa quá nhiều muối, chất béo và các loại đường hấp thu nhanh như bánh ngọt, kem, nước ngọt… Mẹ bầu nên bổ sung thêm 2-3 bữa ăn phụ hàng ngày và tuyệt đối không được bỏ bữa.

Mẹ bầu bị tiểu đường cần có chế độ ăn cân đối, giàu dưỡng chất
Mẹ bầu bị tiểu đường cần có chế độ ăn cân đối, giàu dưỡng chất

- Tập thể dục hàng ngày: Tập luyện giúp tăng sử dụng đường từ đó làm lượng đường trong máu giảm. Mẹ bầu nên dành 30- 60 phút mỗi ngày để luyện tập những môn thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội. Ngoài ra, tập luyện thể thao hàng ngày cũng giúp tâm lý mẹ bầu thêm thoải mái.

- Kiểm soát cân nặng: thừa cân, béo phí là những nguy cơ dẫn đến tiểu đường thai kỳ, do vậy, mẹ bầu nên kiểm soát cân nặng cũng như quá trình tăng cân của minh thật tốt. Một mẹ bầu có cân nặng trước sinh nằm trong giới hạn bình thường chỉ nên tăng từ 11-16kg trong suốt quá trình mang thai.

- Nghỉ ngơi phù hợp: mẹ bầu nên dành thời gian để nghỉ ngơi, làm những công việc ưa thích để bản thân luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái.

Ngoài những lời khuyên trên thì mẹ bầu cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt lịch khám thai định kỳ để được theo dõi đường huyết thường xuyên và đề phòng những biến chứng thai kỳ do tiểu đường thai kỳ mang lại.

Tiểu đường thai kỳ là một bệnh lý tương đối phổ biến do đó mẹ bầu không nên quá lo lắng khi được chẩn đoán mắc căn bệnh này. Điều quan trọng nhất là mẹ bầu hãy luôn giữ sức khỏe và một tâm lý thoải mái để chuẩn bị cho hành trình làm mẹ đầy thú vị sắp tới. Chúc mẹ bầu luôn khỏe mạnh!

Xếp hạng: 5 (2 bình chọn)

Thông tin hữu ích

ĐẶT HÀNG NHANH NHẤT

Lựa chọn sản phẩm cần mua

Giao hàng MIỄN PHÍ thanh toán tại nhà

 

(Dược sĩ nhà thuốc sẽ gọi điện tư vấn về chương trình khuyến mại tương ứng với sản phẩm bạn đặt)

Bình luận


Điểm bán

Giỏ hàng